Kính dâng Cố Hoà Thượng với tất cả tấm lòng thành kính và ngưỡng mộ!
Ngài thâu thần viên tịch ngày 02-12-Kỷ Mão-1999
Phật giáo Việt Nam được duyên may và hạnh phúc là thừa hưởng những tác phẩm do Hoà thượng dịch ra tiếng Việt. Trong tất cả những quyển sách Ngài chủ trương phiên dịch và ấn hành, có thể nói đó là những tác phẩm rất quan trọng, không những về mặt kiến thức Tổ sư thiền, mà còn về mặt ứng dụng hành trì.
Tuy phiên dịch kinh sách của người xưa, nhưng không có nghĩa là Ngài thích sống với quá khứ. Ngài chỉ phương tiện nhìn lại quá khứ để tiếp nhận một cách trọn vẹn, để lãnh hội một cách chọn lọc, để đảnh lễ và giải trình những kiến văn với liệt vị Tổ sư.
Kinh sách luận giải được Ngài phiên dịch rất sát nghĩa, không méo mó, không cầu kỳ, không nặng nề văn chương sáo ngữ. Ngài luôn trung thành với bản gốc và hoan hỷ khi các tác phẩm, dịch phẩm của Ngài được Phật tử Việt Nam khắp nơi đón nhận.
Bởi là thiền sư ‘chính hiệu’, hầu như cuộc sống của Ngài rất đơn giản, mộc mạc. Ngài không phô trương, không đánh trống gióng chuông, nhưng đồ chúng, Tăng-Ni Phật tử ngày càng quy ngưỡng, số lượng không sao đếm xuể.
Ngài làm việc gì cũng cẩn thận, nhiệt tình, bền bỉ và trách nhiệm. Những tháng năm tổ chức Thiền Thất Lưu Động hết chùa này tới chùa kia, hết tỉnh này đến tỉnh khác, Ngài không lời than van, trách móc hay nản chí xiêu lòng.
Những chùa viện, đạo tràng nơi Ngài hành hoá, dù chỉ một lần, phần nào cũng đã ảnh hưởng nếp sống tu hành chân chất của Ngài. Không xa hoa tốn kém, không bận rộn ồn ào, nhưng phẩm chất tu hành phải bảo đảm an lạc, hướng thượng và hoàn hảo.
Nhớ đôi lần ở Chùa Từ Ân, Ngài mời Hoà thượng Huệ Quang, quý Thầy Quảng Nghiêm, Nhật Từ và con được phần tham dự. Hoà thượng chuẩn bị những bữa ăn nửa Việt nửa Tàu thật thanh đạm, trong bầu không khí ấm cúng đạo tình.
Đang dùng bữa, Hoà thượng còn dạy để thầy Nhật Từ đi qua phía bàn thờ vong để bưng những dĩa hồng giòn rất ngon cúng dường Hoà thượng Huệ Quang và đại chúng hôm đó.
Hoà thượng không bị vướng mắc bởi đồ cúng Phật hay cúng vong. Hình như Ngài không có tâm phân biệt vong giả và Phật giả. Có thể tất cả đều giả. Hoà thượng còn vui vẻ mỉm cười nói: “Đồ cúng vong thường ngon hơn đồ cúng Phật, không ăn thì uổng lắm!”
Trên môi Ngài lúc nào cũng nở nụ cười với mọi người. Trên pháp toà lẫn nơi phòng ăn hay phòng tiếp khách, Ngài thật bình dân, chân thực không màu mè, không hình thức. Do vậy, lúc nào Ngài cũng chan hoà tình thương yêu đến với người đối diện.
Những năm tháng bắt đầu hoằng pháp, phổ biến pháp tu Thiền Thoại Đầu, tuy không rành tiếng Việt, Hoà thượng lại giảng kinh, hướng dẫn cho người Việt nghe, quả thật khó khăn vô cùng! Ngoài ra, Ngài không biết sử dụng máy đánh chữ, chỉ đọc cho những vị thị giả và những người thư ký ghi chép. Ngài đọc rõ ràng và chậm rãi. Tới đâu, có điển tích gì, Ngài đều giải thích cặn kẽ. Ôi, thật vô cùng cảm động khi tấm thân tứ đại của Ngài đến hồi lão hoá, vậy mà mỗi ngày, Hoà thượng chỉ nghỉ có hai ba tiếng đồng hồ. Phần thời giờ còn lại, Ngài chuyên chú vào Tham thiền, dịch thuật, hướng dẫn khoá tu, hoằng pháp và viết sách.
Một trong những nét độc đáo nơi những tác phẩm, dịch phẩm của Ngài là chúng vừa phù hợp với căn cơ tâm linh của hành giả bình thường, vừa phù hợp với trình độ của giới học giả nghiên cứu.
Hồi Hoà thượng Huệ Quang còn sinh tiền, Ngài thường lui tới để trao đổi, học hỏi và sẻ chia những kinh nghiệm hành trì và hoằng pháp. Do vậy, con còn thấy được tình pháp hữu nơi hai Ngài. Một tình bạn cao quý, đầy đủ chất liệu thương yêu, lòng khiêm tốn ân cần.
Tuy người Hoa chính hiệu, nhưng hơn hai phần ba thời gian Ngài sinh hoạt hành đạo trên đất nước Việt Nam bằng tinh thần Tổ sư thiền, bằng trái tim cao cả của con dân nước Việt. Sau này, có nhân duyên hành hoá tại Hoa Kỳ, đối với Ngài chỉ coi đó là phương tiện nhất thời, với ước mơ mang ánh sáng Thiền Thoại Đầu đến với xã hội phương Tây.
Nhớ lại, lần đầu tiên Ngài trở về Việt Nam từ Hoa Kỳ, con có diện kiến Ngài tại Thiền Viện Quảng Đức. Ngài đã sẻ chia sự nhận xét của mình về người Mỹ khi tận mặt sinh sống và hành đạo tại đây.
- Khó lắm. Hoa Kỳ là xứ sở hiện đại bậc nhất, đời sống vô cùng náo động. Họ sống trong động, mà mình kêu họ Tham Thoại Đầu, họ làm không nổi. Thành thử, Thiền Thoại Đầu có lẽ chưa thích hợp với người tây phương. Nhìn đi nhìn lại, chỉ có người Việt Nam và một số ít người Trung Hoa siêng tu, thích Thiền Thoại Đầu. Nên thời gian này, tôi quyết định dành riêng thời giờ và sự ưu ái đến với Tăng Ni Phật tử tại Việt Nam. Ngài tâm sự.
Sau đó, biết được con đang học tại Trường Cao Cấp Phật Học, không những la rầy như những năm trước, Ngài còn khuyến tấn, bảo con giải trình phần “Đức Phật chỉ bày chân tâm” trong kinh Lăng Nghiêm cho Ngài xem. Ngài còn hẹn gặp con tại Đại Tòng Lâm nữa và bảo con trình kiến giải.
Quả thật, con không ngờ, sau thời gian xa xứ, Ngài lại có tầm nhìn thoáng khoáng. Phải chăng, đây là Câu Thoại Đầu, là Công Án mà Hoà thượng có ý muốn con phải hạ thủ công phu?
Ở hải ngoại không lâu, nhưng Hoà thượng có nhân duyên hoằng pháp đó đây: Nào Hoa Kỳ, Canada, Úc Đại Lợi, Âu Châu và một số nước Á châu. Ngài vân du với bổn phận, trách nhiệm của người hoằng pháp hơn là người bình thường. Mặc dù sống giữa phố phường hiện đại bậc nhất, nhưng Ngài vẫn âm thầm, chịu đựng, cố gắng thích ứng, thích nghi với đời sống mới, với xã hội mới và với những con người khác nền văn hoá.
Ngài đã vì đạo pháp, vì hoằng dương Phật sự mà bỏ lại tất cả để làm lại tất cả. Một việc làm vượt lên trên những ngã nhân thường tình, một Phật sự vượt lên trên những Phật sự bình thường của quá khứ, hiện tại và có thể của cả tương lai.
Ôi cao cả thay, Hoà thượng đã bỏ lại những đỉnh cao danh vọng tại Việt Nam để tiếp tục dấn thân, chấp nhận khó khăn gian khổ ngập tràn và những gian nan thử thách của cuộc đời. Vì mục đích mang đến thương yêu và trí tuệ cho chúng sinh vạn loại!
Ngài ra đi để trở về chân thường vĩnh tại, trở về nơi chốn bình yên muôn thuở. Nhưng những lời pháp thoại, những tác phẩm, dịch phẩm của Ngài sẽ trở thành kho tàng vô giá cho đạo Phật Việt Nam. Tất cả sẽ không bị khuấy động bởi những mãnh lực địa vị tiền tài, danh thơm tiếng tốt, hay chùa cao Phật lớn. Tất cả sẽ trở thành di sản, trở thành pháp ngôn không lời để lại cho cuộc đời!!!
Nam Mô Từ Ân Đường Thượng thượng Duy hạ Luật, Thoại Đầu Lão Thiền Sư
Hậu học Thích Thiện Hữu kính lễ!